16/09/2023
ỨNG XỬ VĂN HÓA
TRONG THƠ PHỔ NHẠC
Thơ phổ nhạc, một thể loại sáng tác đặc biệt, khi người nhạc sĩ, nhà soạn nhạc bỗng cảm thấy đồng cảm, đồng điệu cùng với một bài thơ mà người làm thơ đã thổi vào đó những rung cảm chân thật và da diết, để bài thơ có một nét riêng, một “linh hồn”, số phận mới…
Trong thơ có nhạc, trong nhạc có thơ. Sự phối hợp giữa thơ và nhạc làm cho giá trị của bài hát được nâng lên nhiều lần. Trên thế giới, nhạc sĩ thường cộng tác với nhà thơ vì họ cho rằng nhà thơ sẽ có thế mạnh soạn ca từ. Nhưng ở nước ta, người làm nhạc chỉ tìm đến phổ thơ mỗi khi thấy cần thiết, hoặc cũng có thể ngẫu nhiên bắt gặp được bài thơ mình đồng cảm, đang muốn có bài hát về cùng đề tài.
Khi tác giả âm nhạc chọn y nguyên lời thơ, có thể thay đổi vị trí, hay chỉnh sửa một vài từ, giới chuyên môn gọi là “ phổ nhạc”, trường hợp nhạc sĩ chỉ “lấy” ý tứ, hình ảnh hay chi tiết của bài thơ thì ghi là “phỏng thơ”. Sinh thời, nhạc sĩ Phú Quang từng thổ lộ về việc phổ nhạc hay "nhặt" những câu thơ hay để phổ nhạc rất thành công một cách khiêm cung: "Các nhà thơ đã rút lòng họ ra câu chữ lóng lánh như tơ lụa, thì mình dại gì không kế thừa và trưng dụng". Còn các nhà thơ cũng rất trân trọng, cảm ơn người nhạc sĩ tài hoa đã bắt được tiếng lòng họ để đưa những vần thơ được cất tiếng trong lòng triệu triệu người. Dù sao thì giữa tác giả âm nhạc và tác giả thơ đều đã có chung một chữ “duyên”, cùng hòa điệu để có một tác phẩm âm nhạc chung.
Trong rất nhiều nhạc sĩ quê ta thành danh lẫn chưa thành danh, có người chỉ phổ một hoặc vài ba bài thơ là đã nổi tiếng, có những ca khúc bất hủ, sống mãi trong lòng người hát, người nghe.
Về chuyện thơ phổ nhạc ở ta rất dễ mà cũng rất khó. Dễ vì tiếng Việt có dấu, âm điệu bài thơ, sự ngắt nhịp bài thơ là gợi ý cho phần nhạc của ca khúc. Khó, là vì chính những âm điệu của thơ khiến trí tưởng tượng của họ dễ bị trói buộc những quy luật mỹ thuật của âm nhạc, gây khó cho người viết nhạc…Cho nên một bài thơ phổ nhạc đòi hỏi người nhạc sĩ ngoài sự đồng cảm, đồng điệu cần phải có sự tài hoa cần thiết, để bài thơ khi phổ nhạc sẽ có một sức sống mới kỳ diệu, được mọi người hân hoan, vui sướng đón nhận. Và đó là món quà vô giá, để nhạc sĩ và thi sĩ cùng hưởng chung sự hạnh phúc, trọn vẹn.
Nghiên cứu lại tất cả các bài hát phổ thơ đặc sắc được công chúng ưa thích trong kho tàng ca khúc Việt Nam, thấy rõ một điều: Không phải cứ thơ hay là sẽ thành bài hát hay và ngược lại, rất nhiều khi bài thơ bình thường đã thành bài hát đặc sắc. Tất nhiên cũng có trường hợp cả thơ và nhạc đều hay và cũng có trường hợp thơ hay lại thành bài hát dở. Cũng dễ hiểu, bởi làm thơ và sáng tác bài hát là hai công việc hoàn toàn khác nhau. Chuyển từ thể loại nghệ thuật này sang một thể loại nghệ thuật khác đương nhiên là điều không đơn giản.
Nhiều nhà thơ cảm thấy vui vẻ khi “đứa con tinh thần” của mình được âm nhạc chắp cánh. Một bài thơ được phổ nhạc thì bài thơ ấy thường có sức sống mãnh liệt hơn, được nhiều người biết hơn, nhưng cũng có không ít trường hợp ngược lại nhờ bài thơ mà bài hát nổi tiếng, song cũng từ đó có chuyện buồn là khi đó tác giả bài thơ thường bị rơi vào quên lãng.
Cũng có lúc nhạc sĩ phổ thơ cũng quên cả tên tác giả bài thơ, đợi khi có dư luận eo sèo mới thừa nhận là “phổ thơ” hoặc “phỏng thơ” của tác giả A, nhà thơ B…Không biết ở các nước tiên tiến, luật sở hữu bản quyền chặt chẽ người ta xử lý các trường hợp “cố tình quên” như thế nào chứ ở nước ta, chuyện “quên”… cũng là chuyện thường ngày ở huyện! (trên thế giới, một ca khúc được phổ nhạc, người viết lời và người phổ nhạc có tác quyền như nhau: 50/50; ở ta ít hơn là 30/70). Thêm một điều lạ là các cơ quan đài, báo và cả những người tổ chức biểu diễn…thường chỉ nói tên người sáng tác nhạc, mà quên tác giả thơ, dù đó là một ca khúc phổ thơ quen thuộc.
Mong sao, sẽ không còn chuyện lãng quên tác giả thơ trong thơ phổ nhạc. Mọi sự chỉ là lòng tự trọng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Điều quan trọng vẫn là nhân cách và đạo đức của người nghệ sĩ chân chính trong quá trình sáng tạo một tác phẩm cho đời, trong đó có cả trách nhiệm của các cơ quan truyền thông và những người tổ chức biểu diễn. Âu cũng là một cách ứng xử có văn hóa vậy!
TG: HUY PHÁCH